BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14192/BTC-TCT | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2018 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Ngày 12/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Việc thực hiện hóa đơn điện tử góp phần cải cách hành chính, hướng tới hoạt động quản lý hóa đơn thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hóa đơn nhằm phòng, chống việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để gian lận, trốn thuế. Để tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền và phối hợp công tác, Bộ Tài chính giới thiệu một số nội dung của Nghị định và kiến nghị phối kết hợp với các Bộ, ngành, địa phương như sau:
- Nghị định số 119/2018/NĐ-CPngày 12/09/2018 quy định một số nội dung mới về hóa đơn điện tử như hình thức hóa đơn điện tử và nguyên tắc sử dụng; các trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử; tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra lưu thông trên thị trường; các trường hợp được cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền; cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có thu tiền; hủy hóa đơn giấy khi bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử; thủ tục hành chính khi sử dụng hóa đơn điện tử; trách nhiệm chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu; hiệu lực thi hành (chi tiết nội dung cụ thể theo Phụ lục đính kèm).
- Căn cứ quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 37 Nghị định số 119/2018/NĐ-CPnêu trên, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan thuế trong việc thực hiện Nghị định, tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh và người dân hiểu lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử, thực hiện đầy đủ quy định của Chính phủ về hóa đơn điện tử. Cụ thể như sau:
- Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn thực hiện Nghị định: Bộ Tài chính đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn gửi các Bộ ngành, địa phương tham gia ý kiến; khi nhận được dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính, đề nghị các Bộ ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu tham gia ý kiến chi tiết.
- Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong việc áp dụng hóa đơn điện tử: Bộ Tài chính sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai; các Bộ, ngành địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp để thực hiện với vai trò là đơn vị sử dụng hóa đơn, chứng từ.
- Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tham gia tuyên truyền, trước mắt là tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử, các nội dung cơ bản của Nghị định.
Trên đây là các nội dung triển khai Nghị định hóa đơn điện tử, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm phối hợp. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ Tài chính để được hướng dẫn thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 119/2018/NĐ-CP NGÀY 12/09/2018 QUY ĐỊNH VỀ HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ KHI BÁN HÀNG HÓA, CUNG CẤP DỊCH VỤ
(Ban hành kèm theo công văn số 14192/BTC-TCT ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính)
- Lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử
Việc áp dụng hóa đơn điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội. Cụ thể:
(i) Đối với doanh nghiệp:
- Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn..)
- Giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.
- Khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy. Việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ khắc phục được tình trạng này do hệ thống lưu trữ hóa đơn điện tử được sao lưu và thường xuyên cập nhật nên khả năng mất hoàn toàn dữ liệu hóa đơn là khó xảy ra.
- Sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua. Bên cạnh đó, với việc hệ thống của cơ quan thuế ngừng không cho doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích được xuất hóa đơn sẽ hạn chế việc người mua sử dụng phải hóa đơn của các doanh nghiệp này.
(ii) Đối với cơ quan thuế và cơ quan khác của nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình:
- Sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn.
- Cơ quan thuế và các cơ quan khác của nhà nước không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay.
- Góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích;
- Góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
(iii) Đối với xã hội:
- Sử dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên).
- Sử dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn.
- Góp phần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
- Giúp việc triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ việc đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng.
- Sử dụng hóa đơn điện tử góp phần làm giảm bớt việc sử dụng giấy nên sẽ góp phần bảo vệ môi trường.
- Về hình thức hóa đơn điện tử và nguyên tắc sử dụng
- Tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định hai hình thức hóa đơn điện tử: Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.
- Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
- Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.
- Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã cửa cơ quan thuế bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
- Về nguyên tắc sử dụng hóa đơn điện tử: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Trường hợp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán có sử dụng máy tính tiền thì đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Việc đăng ký, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế và quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP .
- Các trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử
- a) Trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế
Tại Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định:
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 03 (ba) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 (mười) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu thì cũng được áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.
- Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
- b) Trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế
- Tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực: Điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị; thương mại và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và đảm bảo việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Khi sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực nêu trên có trách nhiệm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đã lập đến cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
- Trường hợp các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực nêu trên không sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế mà đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Định kỳ cơ quan thuế tiến hành rà soát doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế và thông báo nếu thuộc đối tượng chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
- Tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường
Tại Điều 29 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định, khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy. Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập, tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử. Trường hợp bất khả kháng do sự cố, thiên tai gây ảnh hưởng đến việc truy cập mạng Internet dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hóa đơn, nếu: người vận chuyển hàng hóa có chứng từ giấy (bản sao bằng giấy không cần ký tên, đóng dấu của người mua, người bán hàng hóa) chuyển từ hóa đơn điện tử thì xuất trình chứng từ giấy chuyển cho cơ quan nhà nước đang thực hiện kiểm tra hàng hóa. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra căn cứ chứng từ giấy chuyển từ hóa đơn điện tử để lưu thông hàng hóa và tiếp tục thực hiện tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử (tại đầu mối đăng ký với Tổng cục Thuế) để phục vụ công tác kiểm tra theo quy định. Trường hợp người vận chuyển hàng hóa không có chứng từ giấy chuyển từ hóa đơn điện tử thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để kiểm tra, xác nhận hóa đơn điện tử của doanh nghiệp.
- Các trường hợp được cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền
Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định 5 trường hợp được Tổng cục Thuế hoặc tổ chức được Tổng cục Thuế ủy nhiệm cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền gồm:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp nêu tại gạch đầu dòng nêu trên) trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập doanh nghiệp;
- Hộ, cá nhân kinh doanh. Riêng hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 03 (ba) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 (mười) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong thời gian 12 tháng kể từ tháng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy định của Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;
- Các trường hợp khác cần thiết để khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử do Bộ Tài chính quyết định.
- Cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có thu tiền
- Tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử khi cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử theo thỏa thuận tại Hợp đồng ký giữa tổ chức cung cấp dịch vụ và bên nhận dịch vụ là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh (trừ 5 trường hợp được cung cấp hóa đơn điện tử miễn phí nêu trên) thực hiện thu tiền theo thỏa thuận giữa các bên.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử bao gồm: Tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử; tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử và các dịch vụ khác liên quan đến hóa đơn điện tử.
- Hủy hóa đơn giấy khi bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử
- Theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP , kể từ thời điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác,, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện hủy những hóa đơn giấy còn tồn chưa sử dụng.
- Thủ tục hủy hóa đơn giấy thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 29 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
- Thủ tục hành chính khi sử dụng hóa đơn điện tử
Theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP , khi sử dụng hóa đơn điện tử, cơ sở kinh doanh chỉ làm thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử tại Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế.
- Trách nhiệm chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu
Tại Điều 26 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định:
- Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị; thương mại thực hiện hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của Bộ Tài chính.
- Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, tổ chức có chức năng thanh toán định kỳ cung cấp dữ liệu điện tử về giao dịch thanh toán qua tài khoản của các tổ chức, cá nhân cho cơ quan thuế theo định dạng dữ liệu chuẩn theo quy định của Bộ Tài chính.
- Tổ chức sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc đối tượng sử dụng tem theo quy định của pháp luật thực hiện kết nối thông tin về in và sử dụng tem, tem điện tử giữa tổ chức sản xuất, nhập khẩu với cơ quan quản lý thuế. Thông tin về in, sử dụng tem điện tử là cơ sở để lập, quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, sử dụng tem quy định tại khoản này, tiền thu được từ việc cấp tem đảm bảo bù đắp chi phí in và sử dụng tem.
- Các tổ chức, đơn vị: Cục quản lý thị trường, Tổng cục quản lý đất đai, Tổng cục quản lý tài nguyên khoáng sản, cơ quan công an, giao thông, y tế và các cơ quan khác có liên quan kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan cần thiết trong lĩnh vực quản lý của đơn vị với Tổng cục Thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, đơn vị liên quan ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử.
- Về hiệu lực thi hành và xử lý chuyển tiếp
- Tại Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ có quy định Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018.
- Tuy nhiên để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP có quy định thời hạn 24 tháng (từ ngày 1/11/2018 đến ngày 1/11/2020) để các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người để áp dụng hóa đơn điện tử. Trong thời gian từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/10/2020, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành.
- Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, trường hợp cơ quan thuế chưa thông báo doanh nghiệp chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP thì các cơ sở kinh doanh vẫn thực hiện phát hành hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử hoặc mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng (nếu thuộc trường hợp mua hóa đơn) và tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP , Nghị định số 04/2014/NĐ-CP .
- Tại Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ có quy định: kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hết hiệu lực thi hành./.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH ĐẠI LÝ THUẾ MIỀN BẮC | |
Địa chỉ: | Số 20 Lê Lợi, Ngô Quyền, Hải Phòng |
Email: | hotro@thuemienbac.vn |
Điện thoại: | 0225.3.686.954 |
Website: | http://thuemienbac.vn |